
Cuộc sống
Mua điện thoại ở Nhật khó đến cỡ nào?
Một hướng dẫn nhỏ giúp bạn có được phương án tốt nhất khi quyết định mua điện thoại hoặc sim.
Bước lên xe bus trung chuyển sau khi vừa xuống khỏi máy bay, điều đầu tiên mà mình cảm thấy nhớ nhất không phải là 4 thanh song của khung cửa sổ ở nhà mà là 4 thanh sóng điện thoại. Cũng lúc đó mình nhận ra mình thực sự đã đến một đất nước khác, một nơi rất rất xa nhà.
Đó là những gì mình cảm nhận khi vừa đáp xuống Nhật Bản. Nếu bạn thuộc thế hệ Millennial (chỉ những người được sinh ra vào giai đoạn từ 1981 đến 1996) thì việc không thể kết nối hay liên lạc với người khác có thể xem như một loại thảm họa. Vì thế hôm nay, mình sẽ hướng dẫn bạn một số cách để giúp bạn tránh rơi vào tình trạng kinh khủng như vậy khi ở Nhật.
Bài này dành cho những người sắp đến Nhật du học hoặc làm việc. Nếu bạn đến Nhật để du lịch ngắn ngày thì những cách sau sẽ khó mà áp dụng được.
Chắc ai cũng nghĩ rằng với vị thế là một quốc gia công nghệ như Nhật thì việc mua điện thoại chắc cực kì dễ dàng. Nhưng không, bạn đã sai. Sai rất sai rồi!
Bản thân mình cũng khá bất ngờ với độ phức tạp khi mua điện thoại và sim khi đến đây. Ba cách mình sắp đề cập dưới đây thì mình đều đã thử qua cả rồi nên bạn cứ xem rồi chọn ra cách phù hợp nhất cho bản thân mình nhé.
1/ Mua điện thoại có kèm hợp đồng
Cách đầu tiên dùng cho những ai muốn vừa có cả điện thoại lẫn sim cùng một lúc. Mình phải cảnh báo bạn trước rằng đây chính là lựa chọn tốn tiền nhất trong 3 cách.
Bằng cách này thì cơ bản, bạn phải kí hợp đồng từ 1 đến 2 năm với nhà cung cấp dịch vụ. Au, Docomo và Softbank là 3 nhà cung cấp dịch vụ phổ biến nhất ở đây.
Mình quyết định kí hợp đồng với Docomo vào năm thứ 2 sau khi đến Nhật. Lúc đó thì mình mua điện thoại Sony Xperia Z5 – điện thoại đời mới nhất vào thời điểm đó và mình phải trả tận 8,000 yên (tầm 1,7 triệu) mỗi tháng cho điện thoại và sim. Sau này nhìn lại mình mới thấy đây là một lựa chọn rất không khả quan vì nó quá mắc cho một du học sinh như mình.

Dù mình chọn mua Sony nhưng thực chất Iphone mới là loại phổ biến nhất, sau đó thì đến Samsung. Mình khuyên bạn nên mua Iphone vì bạn sẽ có nhiều gói để lựa chọn và hỗ trợ hơn. Tuỳ loại điện thoại và gói dịch vụ, bạn sẽ trả tầm 8,000 - 12,000 yên mỗi tháng (từ 1,7 triệu 2,5 triệu). Lưu ý đây là số tiền bạn phải trả mỗi tháng trong suốt thời gian bạn kí hợp đồng, tức là từ lúc hợp đồng có hiệu lực đến khi hợp đồng kết thúc.

2/ Chỉ mua Sim
Cách này chỉ dùng được cho những bạn đem theo điện thoại từ nhà sang nên giờ chỉ cần mua sim gắn vào là được.
So với cách đầu thì cách này đỡ tốn tiền hơn nhưng quan trọng là điện thoại của bạn phải là bản quốc tế (unlock). Bạn có thể kiểm tra ở chỗ bạn mua điện thoại hoặc đơn giản hơn là tra cứu trên mạng cũng được.

Sau khi kiểm tra xong, bạn có thể tìm một số công ty chuyên bán sim điện thoại để mua. Hầu hết những nhà cung cấp sim độc lập đều liên kết với những công ty mình đã đề cập ở trên nhưng giá lại rẻ hơn và cũng có nhiều gói hơn nữa. Nếu bạn có thẻ credit (tín dụng) thì mình khuyến khích bạn sử dụng UQ mobile hoặc Rakuten.
Sau khi có những trải nghiệm không mấy tốt vì phí quá cao, mình quyết định huỷ hợp đồng với Docomo. Đổi lại, mình cũng phải trả một phần phí huỷ cũng cao không kém là 10,000 yên (tương đương 2 triệu). Sau đó mình mua sim của Rakuten và mỗi tháng mình chỉ trả khoảng 3,200 yên (tầm 670 ngàn) thôi. Vừa rẻ lại vừa linh hoạt nữa!

Nếu bạn không có thẻ credit thì cách tiện nhất bây giờ là loại sim JP Smart. Đây là loại mình đang sử dụng sau khi chuyển từ Rakuten. Mình nghĩ đây là lựa chọn tốt nhất cho người nước ngoài: nhiều gói linh hoạt và được hỗ trợ bằng tiếng Anh.
Bất kể bạn chọn nhà cung cấp nào thì mỗi tháng bạn chỉ cần thanh toán tầm 2,500 – 5,000 yên (520 ngàn đến 1 triệu) tùy gói thôi.

3/ Mua điện thoại không kèm hợp đồng
Cách thứ ba áp dụng cho những bạn vừa muốn có điện thoại lại vừa muốn gói sử dụng vừa túi tiền như cách thứ hai.
Trong trường hợp này, thay vì mua một cái mới thì mình gợi ý bạn nên mua loại secondhand (đã qua sử dụng). Loại này thì giá sẽ mềm hơn và tình trạng máy cũng sẽ còn khá tốt.
Bạn có thể mua trên các trang online như iosys. Trang này thì họ cho mình khá nhiều lựa chọn và cũng ship toàn quốc ở Nhật. Điện thoại thì cũng được xếp loại dựa trên tình trạng máy. Hồi trước mình có mua một cái second hand OnePlus One ở trang này.

Nếu không thích mua online thì bạn có thể ra cửa hàng mua, ví dụ như GEO. GEO thì tiện ở chỗ là bạn có thể mua Sim ở đây luôn nên bạn cần thì cứ hỏi, họ sẽ hỗ trợ bạn mua loại sim mà bạn muốn.
Ngoài ra ở đây họ có khá nhiều lựa chọn nếu bạn muốn mua iPhone. Bữa mình cũng mới mua iPhone 6 ở đây. Model thì hơi cũ thật nhưng chất lượng thì vẫn còn ổn lắm.

Trong trường hợp mua điện thoại secondhand thì bạn cần để ý 2 điểm:
- Nếu điện thoại ở bản quốc tế (unlock) thì có thể sử dụng bất kì loại sim nào từ cách 2.
- Còn nếu ngược lại, điện thoại ở bản khoá thì bạn phải mua sim từ chính nhà mạng phân phối nó.
Cách nào cũng được vì nó đều rẻ hơn cách đầu tiên. Giá điện thoại secondhand thì khởi điểm từ 5,000 yên (khoảng 1 triệu đồng) và nó có thể mắc hơn tuỳ thuộc vào model.
Chọn cách mà bạn cảm thấy phù hợp với nhu cầu của mình. Nếu là sinh viên thì bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền nếu chọn những gói vừa phải. Ba cách trên thì mình đều thử qua rồi, ngoài ra bạn có thể xem tất cả điện thoại mà mình từng sử dụng qua đoạn video bên dưới.
Nếu bạn muốn biết làm cách nào để mua được laptop phù hợp túi tiền thì comment bên dưới để mình viết một bài khác về chủ đề đó nhé!
1 Comments
From the same writer
A little help for you to start earning as a student in Japan.
· Work · over 2 years ago
A guide for you to get the best plans when you decide to buy a phone or get a...
· Lifestyle · over 2 years ago
Read also
· Văn hoá
· Văn hoá · 10 months ago
· Văn hoá
· Văn hoá · 10 months ago
· Cuộc sống
· Cuộc sống · 10 months ago
· Cuộc sống
· Cuộc sống · 10 months ago