
Văn hoá
Nghi lễ khi đi Jinja - Hãy để người bản xứ thán phục bạn!
Trong bài viết trước mình đã giới thiệu về Thần đạo, tiếp nối trong bài viết này mình chia sẻ một số nguyên tắc hành xử khi bạn đi tới Jinja nhé!
Những cách hành xử này, thực ra ngay cả nhiều bạn trẻ Nhật bây giờ cũng không biết đâu. (Thì cũng như kiểu ở Việt Nam mình nhiều người vẫn bị phê phán vì cái tội ăn mặc không đúng nguyên tắc khi đi chùa vậy). Nên bạn mà biết những điều này đảm bảo người Nhật sẽ phải mắt tròn mắt dẹt mà thán phục bạn đấy.
Nào, hãy cùng mình bắt đầu nhé!
Bước 1: Vào đền
Mỗi một ngôi đền sẽ có một cái cổng được gọi là Torii, cổng này được coi như là ngăn ra hai thế giới – thế giới của Thần và thế giới bên ngoài. Bạn cần phải cúi chào một cái trước cổng này, kiểu giống như là xin phép Thần cho mình vào nhà của Thần vậy.

Vị trí trung tâm của cổng là đường đi của Thần, nên bạn nên đi vào bên lề nhé!

Bước 2: Thanh tẩy
Sau khi qua cổng đền, trước khi cầu nguyện bạn cần phải có công đoạn "thanh tẩy" cơ thể. Sẽ có một chỗ trong tiếng Nhật gọi là Chozuya (手水舎). Tại Chozuya này bạn phải cúi chào lần nữa.
Bạn múc một gáo nước, cầm bằng tay phải đổ nước vào tay trái để rửa tay trái, sau đó, đổi bên, tay trái cầm gáo nước và rửa tay phải. Tiếp theo, cầm gáo nước bằng tay phải, dùng tay trái hứng một ít nước đưa lên miệng để súc miệng, sau khi súc miệng xong thì rửa lại tay trái một lần nữa.
Cuối cùng là hạ tay cầm xuống để nước còn lại chạy xuống để rửa phần tay cầm. Xong khi xong xuôi hết tất cả thì trả gáo lại chỗ cũ và cúi chào nhẹ một cái.

Bạn lưu ý là nước bạn chỉ được múc một lần, và phải làm đủ các công đoạn trên với lượng nước múc trong một lần ấy nhé.

Bước 3: Cầu nguyện
Sẽ có một cái chuông tiếng Nhật gọi là suzu (鈴) - được treo ở chính điện. Bạn tới đây, ném đồng 5 Yên vào và lắc cái dây dài 2,3 lần gì đó để rung chuông. Kiểu như rung chuông đánh thức các Thần để họ nghe lời cầu nguyện của mình vậy. Sau khi rung chuông xong bạn cúi chào 2 lần, và vỗ tay hai cái rồi bắt đầu nói lời cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện xong, bạn cúi chào một lần nữa.
Và trước khi rời chính điện lại cúi chào một lần nữa. Những lần cúi chào vậy, bạn chỉ cần cúi ở góc độ 45 độ. Nhưng cái chào khi cầu nguyện và ngay sau cầu nguyện bạn phải cúi 90 độ.
Ở đây, mình giải thích một chút tại sao người Nhật lại hay dùng đồng 5 Yên để cầu nguyện nhé! Vì đồng 5 Yên này có cách phát âm là Goen (ごえん), cùng cách phát âm với từ ご縁 để chỉ những duyên gặp gỡ. Chính vì vậy mà người Nhật tin rằng đồng 5 Yên này sẽ mang lại những duyên lành.

Cùng cầu vận may nào!
Trong mỗi ngôi đền đều có nơi bán quẻ(おみくじ), bùa hộ mệnh hoặc các Ema (絵馬)- bùa cầu nguyện.
Sau khi cầu nguyện xong bạn có thể đi tới những chỗ này để rút quẻ hoặc các bùa hộ mệnh tặng cho người thân, bạn bè, hoặc mua các Ema để viết lời cầu nguyện - thường sẽ là những ước mơ hoàn thành các mục tiêu như là đậu kỳ thi hoặc thi đấu tốt trong trận đấu quan trọng nào đó.


Khi bạn rút quẻ, nếu quẻ tốt bạn có thể mang về nhà, nhưng nếu là những quẻ xấu thì bạn sẽ buộc lại tại đền (tại mỗi ngôi đền sẽ có nơi để buộc quẻ như thế này) với ước mong là Thần sẽ giúp mình xua đuổi đi những điều xui xẻo đó.

Ema thì sau khi bạn viết lời nguyện ước xong bạn có thể buộc lại tại đền hoặc cũng có thể mang về nhà. (Khi bạn mua Ema, nhân viên sẽ cho bạn mượn bút để viết)




Có những người Nhật còn có riêng một cuốn sổ thu thập con dấu của các Jinja - Goshuin (御朱印) vừa như là một kỉ niệm lưu giữ lại những Jinja mà họ đã tới, vừa cũng là như là một vật hộ mệnh của họ vậy. Bạn có thể liên hệ tới nhân viên trong Jinja để xin đóng con dấu này nhé.

Ở Jinja, yên bình lắm!
Tôi kỳ lạ lắm - ở Việt Nam tôi không có thói quen đi lễ chùa hay tới các ngôi đền. Bởi tôi luôn thấy có gì đó kỳ bí, và có cảm giác gì đó gờn gợn sợ sệt ở trong người. Nên tôi chỉ tới chùa vào các dịp lễ lớn hay có chút đặc biệt gì mà thôi. (Cá nhân tôi là thế - chứ ở đây tôi không bàn tới chuyện đi chùa nhé). Nhưng tôi lại đặc biệt thích đến Jinja ở Nhật.
Tôi không biết tại sao, nhưng tôi tìm được cảm giác thanh tịnh và yên bình khi bước qua cánh cổng Torii. Có lẽ một phần bởi vì cảm giác bản thân mình đã được thanh tẩy tại Chozuya chăng? cùng với bụi trần, những lo âu muộn phiền cũng được rửa sạch sẽ.
Để rồi, đó là chính là thời gian tôi tạm lắng lại một chút, hít thở sâu một cái để lại tiếp tục hành trình cuộc sống của mình.

Tạm kết
Chắc khi tôi nói rằng tôi đến Jinja để không chỉ để cầu nguyện mà chủ yếu là để tìm lại phút an yên cho mình, mọi người sẽ ngạc nhiên lắm. Nhưng tôi nghĩ cũng đáng tới Jinja để một lần bạn trải nghiệm và cảm nhận, đúng không nào?!
1 Comments
From the same writer
In this article, I will provide some key points based on my own experience. S...
· Culture · about 2 years ago
I consider myself a lover of Japanese shrines (神社- Jinja). Every time I come ...
· Culture · over 2 years ago
Continuing the previous section, I will share more about what you can learn w...
· Culture · about 2 years ago
Read also
· Văn hoá
· Văn hoá · 10 months ago
· Văn hoá
· Văn hoá · 10 months ago
· Cuộc sống
· Cuộc sống · 10 months ago
· Cuộc sống
· Cuộc sống · 10 months ago