
Văn hoá
Vẽ mắt cho Daruma
Nhắc tới lật đật, chắc hẳn nhiều người thường nghĩ tới Matryoshka của Nga. Nhưng các bạn có biết Daruma của Nhật cũng là một nhân vật đình đám trong làng lật đật này?
Xuất thân
Daruma (達磨) hay còn được gọi là búp bê/ lật đật Daruma là một loại búp bê truyền thống của Nhật Bản. Tương truyền, Daruma được làm phỏng theo hình dáng của ngồi thiền của Bồ-đề-đạt-ma, người sáng lập môn phái Thiền Tông.
Daruma ra đời tại thành phố Takasaki, tỉnh Gunma vào thời kỳ Edo (thế kỷ 16~18), một trong những thời kỳ cực thịnh của Nhật Bản cổ đại. Có rất nhiều các biến thể khác nhau của lật đật ở khắp đất nước Nhật bản. Daruma nhanh chóng trở thành đồ chơi được ưa thích, không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài.

Đặc điểm nhận diện
Daruma được làm bằng giấy bồi, rỗng phía trong, đáy được gắn một vật nặng để duy trì thăng bằng, khiến Daruma có thể bật dậy nếu bị xô ngã. Daruma thường có hình tròn và không có chân tay do người Nhật tin rằng tay chân của Bồ-đề-đạt-ma đã teo đi sau khi ngồi thiền suốt nhiều năm trong điều kiện khắc nghiệt.
Theo truyền thống, Daruma được tô màu đỏ giống áo của Bồ-đề-đạt-ma. Nhưng ngày nay, người ta vẽ Daruma với nhiều màu sắc và hình thái khác nhau, mang theo các ý nghĩa phong phú.

Để hoàn thiện một Daruma, người thợ phải thực hiện gần 20 công đoạn hoàn toàn thủ công. Nên không để tìm được 2 Daruma hoàn toàn giống nhau.
Ý nghĩa
Không chỉ là biểu tượng may mắn (Engimono) phổ biến thứ 2 ở Nhật, sau mèo Maneki Neko, Daruma còn là biểu tượng của sức mạnh, ý chí không bao giờ đầu hàng; ngay cả khi bị sóng gió quật ngã vẫn có thể đứng dậy.

Tiếng Nhật có câu nói: "Ngã xuống 7 lần, đứng dậy 8 lần. Cuộc sống bắt đầu từ đây" dùng để miêu tả tính chất của Daruma
Vào thời Meiji, khi nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển, Daruma được coi là biểu tượng may mắn mang lại mùa màng bội thu.
Tại sao Daruma không có mắt?
Ngoài hình dáng lật đật chẳng giống ai, một trong những đặc điểm thu hút sự chú ý của Daruma chính là đôi mắt, đôi mắt ấy thực sự cũng chẳng giống ai: to tròn nhưng lại quắc lên, lộ vẻ dữ tợn. Thế nhưng, cũng chính đôi mắt ấy lại ẩn chưa một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Đã bao giờ bạn bắt gặp một Daruma "mắt trắng", hay thậm chí Daruma chỉ có một mắt? Sự thật là, không Daruma nào được tạo ra mà có mắt cả. Nếu có cũng chỉ là lòng trắng mà thôi.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng có một mong ước và luôn phấn đấu để đạt được mong ước đó. Khi mua về hoặc được tặng một Daruma, người ta sẽ nghĩ đến điều mình mong muốn và vẽ cho Daruma một mắt bên trái. Sau khi đạt được mục tiêu rồi mới vẽ nốt mắt bên phải.
Con mắt bên trái được coi như sự nhắc nhở, thôi thúc người ta nỗ lực để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra. Còn con mắt bên phải được vẽ lên, giống như đánh dấu sự thành công
Mình luôn ao ước được tới đất nước mà mình yêu thích một lần. Và, sau rất nhiều năm nỗ lực, cuối cùng thì Daruma của mình giờ đã có đủ cả hai mắt.
Khi tới Nhật rồi, mình đã tranh thủ "rước" thêm một Daruma nữa. Mong rằng, một ngày không xa nữa thôi, khi đại dịch Covid-19 đáng ghét bị đẩy lùi hoàn toàn, mình sẽ được quay lại Nhật, tự tay vẽ cho "ông" Daruma nốt con mắt bên phải.

Mình đã tự vẽ được mắt cho ông thần may mắn của mình. Và mình tin rằng mình sẽ có nhiều nhiều những "ông" thần may mắn như thế nữa.
Còn bạn thì sao? Bạn đã có cho mình một Daruma chưa? Nếu chưa, bạn hãy thử tự mình trải nghiệm vẽ lên đôi mắt thần kỳ ấy nhé! Đảm bảo cảm giác sẽ tuyệt vời lắm đấy.
From the same writer
Fortune-telling paper drawing is a vital part of Eastern culture in general a...
· Culture · 4 months ago
Nikko Toshogu Shrine is in Nikko, Tochigi prefecture. With just a 2-hour trip...
· Travel · 8 months ago
When talking about Ibaraki, people would immediately think of Hitachi Seaside...
· Travel · over 1 year ago